Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

Vật liệu xây không nung lợi ích đã rõ

Vật liệu xây không nung lợi ích đã rõ

Sau 2 năm thực hiện chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN), sản lượng 3 chủng loại sản phẩm chính là gạch xi măng, gạch bê tông khí và gạch bê tông bọt đều có khả năng đạt, vượt mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, việc tiêu thụ, nhất là gạch bê tông khí và bê tông bọt, rất hạn chế. Thậm chí, có DN không tiêu thụ được đã phải dừng sản xuất. Thực tế này đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt hơn trong thời gian tới để đưa chương trình phát triển VLXKN tới đích.
Sản xuất gạch không nung trên dây chuyền hiện đại tại Công ty TNHH một thành viên Nam Huy (Lào Cai).

Chỉ tiêu thụ được 50-60% sản lượng

Sau 2 năm triển khai chương trình phát triển VLXKN là hàng loạt dây chuyền sản xuất VLXKN đã được đầu tư đều đi vào hoạt động. Trước khi ban hành chương trình (tháng 4-2010), các địa phương chỉ có dây chuyền quy mô nhỏ, công suất dưới 3 triệu viên gạch xi măng/năm, đến nay đã có những dây chuyền công suất 60 triệu viên/năm. Thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện đạt tổng công suất 3 tỷ viên gạch xi măng/năm. Trong khi đó, từ 1 dây chuyền sản xuất gạch bê tông khí, 100.000m3/năm, đã có 22 DN đầu tư (9 DN đã hoạt động), với tổng công suất 3,8 triệu mét khối/năm. Còn với gạch bê tông bọt, từ 4 dây chuyền, công suất 4000-10.000m3/năm, hiện đã có 17 cơ sở đầu tư sản xuất với tổng công suất 190.000m3/năm. Tính cả 3 sản phẩm chủ lực trên, VLXKN hiện đạt tỷ lệ 16-17% tổng vật liệu xây (mục tiêu chương trình đạt tỷ lệ 20-25% vào năm 2015). Tuy nhiên, ngoài sản phẩm gạch xi măng có mặt trên thị trường từ lâu, giá bán thấp hơn so với gạch đất sét nung, nên có khả năng tiêu thụ tốt (85%-90% sản lượng), thì gạch bê tông khí và bê tông bọt tiêu thụ rất chậm. Báo cáo của Hiệp hội VLXD cho thấy, hầu hết các dây chuyền gạch bê tông khí, bê tông bọt chỉ chạy 20-30% công suất thiết kế. Chỉ có 1 dây chuyền đạt gần 50% công suất thiết kế. Có đơn vị mới đi vào sản xuất đã phải dừng hoạt động do hàng tồn kho lớn, tiêu thụ không được, nếu tiếp tục vận hành lại càng tốn kém. Mặc dù chạy chưa hết nửa công suất, nhưng hầu hết các nhà máy cũng chỉ bán được 50-60% sản lượng. Năm 2011, 9 nhà máy bê tông khí tiêu thụ 0,2 triệu mét khối sản phẩm, còn 17 nhà máy bê tông bọt tiêu thụ 0,05 triệu mét khối sản phẩm. Tình hình tiêu thụ 4 tháng đầu năm 2012 cũng chưa có dấu hiệu khả quan. Nguyên nhân là do nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm, nguồn vốn hạn chế, nên phần lớn dây chuyền có công nghệ ở mức trung bình. Vì vậy, sản phẩm cũng chỉ đạt chất lượng trung bình theo tiêu chuẩn Việt Nam. Các nhà máy lại ra đời đúng lúc kinh tế gặp khó khăn, lạm phát cao, đầu tư công cắt giảm, thị trường bất động sản đóng băng, nên sản phẩm vật liệu tiêu thụ chậm. Mặt khác, lãi suất tăng cao, chi phí sản xuất cao đã đẩy giá thành sản phẩm gạch bê tông cao hơn gạch đất sét nung 20-25%.

Gạch đất sét nung vẫn chiếm tỷ lệ lớn

Một trong những mục tiêu tăng cường sản xuất VLXKN là hạn chế gạch đất sét nung, bởi quá trình sản xuất loại gạch này gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Song, đến thời điểm này, sản lượng gạch đất sét nung cả nước vẫn đạt khoảng 20,9 tỷ viên, chiếm 83% vật liệu xây, trong đó sản lượng gạch sản xuất bằng lò thủ công, là loại lò gây ô nhiễm môi trường vẫn chiếm 35-40%. Đáng chú ý, Hà Nội cùng với Thái Bình, Vĩnh Long, An Giang là những địa phương còn nhiều lò gạch thủ công nhất nước. Như vậy, mục tiêu đến năm 2010 không còn lò gạch đất sét nung thủ công như Bộ Xây dựng đề ra đã "phá sản".
Các chuyên gia cho rằng, công trình cao tầng phải sử dụng tối thiểu 30% VLXKN nhẹ. Các địa phương phải quyết liệt thực hiện lộ trình giảm sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung và chấm dứt lò gạch thủ công. Với công trình cao 25 tầng, sử dụng VLXKN nhẹ thay gạch đất sét nung, mặc dù giá thành VLXKN cao hơn gạch đất sét nung nhưng chi phí đầu tư toàn công trình giảm 8% do giảm chi phí kết cấu móng, khung dầm nhờ trọng lượng gạch nhẹ; giảm được chi phí quản lý, chi phí tài chính nhờ tiến độ thi công được đẩy nhanh, sớm đưa công trình vào sử dụng do năng suất thi công cao hơn. Chưa kể, VLXKN tiết kiệm năng lượng làm mát mùa hè, sưởi ấm mùa đông trong giai đoạn vận hành. Theo tính toán, nếu sử dụng toàn bộ sản lượng 4,2 tỷ viên gạch quy tiêu chuẩn VLXKN, có thể tiết kiệm được 6,15 triệu mét khối đất sét, 615.000 tấn than và giảm thải vào khí quyển 2,4 triệu tấn CO2.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét