Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

Khuyến khích, đẩy mạnh sử dụng vật liệu xây không nung

1302232225_185455202_1-Hinh-anh-ca-Gach-khong-nung-ban-chay-500x289
Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng phải trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế chính sách đồng bộ nhằm tăng cường sử dụng VLXKN theo hướng các công trình sử dụng vốn nhà nước như trụ sở làm việc, bệnh viện, trường học bắt buộc phải sử dụng VLXKN.
Vật liệu xây không nung: xu hướng tất yếu
Sử dụng gạch nung (nguyên vật liệu từ đất sét) sẽ mất rất nhiều đất canh tác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực và phải sử dụng một lượng than khổng lồ, kèm theo đó là một lượng củi đốt rất lớn gây ô nhiễm môi trường, để lại hậu quả dài lâu. Chính vì thế, Sở Xây dựng TP cho biết, việc sử dụng VLXKN thay thế gạch đất sét nung truyền thống là một xu hướng phát triển tất yếu. VLXKN có nhiều yếu tố vượt trội và khắc phục được các nhược điểm của gạch nung.
Theo ông Phan Đức Nhạn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, VLXKN khắc phục được nhiều nhược điểm của gạch nung đó là không dùng nguyên liệu đất sét để sản xuất mà có thể tận dụng phế thải công nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm nhiên liệu. Bên cạnh đó, VLXKN còn nhiều ưu việt: nhiều mẫu mã, màu sắc, kích thước khác nhau, thích ứng tính đa dạng trong xây dựng, có tính chịu lực cao, tiết kiệm năng lượng, cách âm, chống cháy và bền chắc hơn vật liệu xây bằng đất sét nung. “Nếu một công trình cao tầng sử dụng gạch nhẹ thì có thể giảm tải trọng công trình (xi măng, sắt thép, kích thước móng…) so với sử dụng gạch nung. Điều này đồng nghĩa với việc tiết kiệm được nhiều chi phí xây dựng cho công trình”, ông Nhạn cho biết.
Ông Nhạn dẫn chứng: Block bê tông nhẹ, kích thước lớn 30x20x60cm với thể tích lớn dung trọng nhỏ 400-1.200 kg/m³, cường độ lớn từ 40-100kg/cm² có thể giảm nhẹ tải trọng tường xây trong công trình xây dựng từ 40%-50%, góp phần làm giảm giá thành xây dựng công trình, đặc biệt là các vùng đất yếu. Đây là sản phẩm rất thích hợp với các tòa nhà cao tầng, xây nhanh, mặt phẳng không cần trát. Các sản phẩm VLXKN nhẹ nên tốc độ thi công nhanh, giảm tiêu hao nhân công, đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình, giảm chi phí quản lý và mang lại hiệu quả kinh tế cho nhà đầu tư.
Nhằm khuyến khích và tăng cường sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng theo định hướng của Quyết định số 567/QĐ-TTg và Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Xây dựng TP đã dự thảo Chỉ thị khuyến khích và tăng cường sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng trên địa bàn TPHCM. Dự thảo quy định, các sở – ngành, UBND các quận – huyện, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng trên địa bàn TP thực hiện nghiêm việc khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư trong các khu công nghiệp, sử dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường, để sản xuất các loại VLXKN như gạch bê tông khí chưng áp (AAC), gạch xi măng – cốt liệu, gạch bê tông bọt, tấm xây dựng 3D, tấm tường thạch cao; đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu cho từng loại công trình xây dựng….
Công trình cao tầng: Dùng ít nhất 30% VLXKN
Theo Sở Xây dựng TP, thời gian qua, chương trình phát triển VLXKN tại TP đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên đến nay tình hình triển khai Quyết định số 567/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020 trong thực tế còn nhiều bất cập. Một lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, một trong những bất cập hiện nay là việc thu thuế tài nguyên đối với việc khai thác đất sét làm gạch nung. Mặc dù sắp tới, thuế tài nguyên đối với đất sét sản xuất gạch sẽ được điều chỉnh lên mức tối đa là 15% nhưng mức thuế này vẫn còn thấp, chưa hạn chế được việc khai thác tài nguyên quý giá này.
Hơn nữa, việc đánh thuế tài nguyên từ việc khai thác từ đất sét để sản xuất gạch thực tế cũng gặp nhiều khó khăn vì việc đất sét không chỉ dùng để làm gạch. “Thay vì đánh thuế tài nguyên từ khai thác đất sét để làm gạch nung thì có thể thu thuế bảo vệ môi trường đối với loại gạch nung đất sét tại các công trình xây dựng có sử dụng loại gạch này”, vị lãnh đạo này đề nghị.
Sở Xây dựng cho biết, nguyên nhân VLXKN hiện vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi là do người tiêu dùng đã quen dùng gạch nung; giá thành sản phẩm khá cao so với gạch đất sét nung; các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến chất lượng sản phẩm, thiết kế, thi công và nghiệm thu công trình sử dụng VLXKN chậm ban hành; các nhà đầu tư, đơn vị sản xuất VLXKN chưa nắm rõ hết các chính sách ưu đãi trong đầu tư phát triển sản xuất VLXKN; sản lượng và chất lượng một số VLXKN chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường TP…
Theo Sở Xây dựng, bên cạnh việc có cơ chế khuyến khích và tiến tới bắt buộc sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng, cần phải bổ sung cơ chế chính sách để các DN xây dựng đào tạo tay nghề, bồi dưỡng kỹ thuật cho các công nhân trực tiếp sử dụng VLXKN. Và điều quan trọng nữa là cần phải có biện pháp chế tài đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công trình thuộc đối tượng bắt buộc sử dụng gạch không nung vi phạm quy định.
Từ đó, dự thảo chỉ thị của Sở Xây dựng cũng quy định: Công trình sử dụng vốn nhà nước (trụ sở làm việc, bệnh viện, trường học…) bắt buộc phải sử dụng VLXKN theo tỷ lệ trong tổng số vật liệu xây do Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng quy định. Các công trình nhà cao tầng (từ 9 tầng trở lên) không phân biệt nguồn vốn, phải sử dụng tối thiểu 30% VLXKN loại nhẹ (khối lượng thể tích không lớn hơn 1.000kg/m³) trong tổng số vật liệu xây. Khuyến khích các công trình xây dựng sử dụng VLXKN có độ rỗng lớn hơn 30% và VLXKN loại nhẹ. Không sử dụng gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí) trong các công trình xây dựng. Hiện dự thảo này đang lấy ý kiến của các sở-ngành, UBND các quận-huyện và các đơn vị để trình UBND TP.
Theo SGGP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét