Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

Vật liệu xây không nung thiếu hành lang pháp lý

 

Vật liệu xây không nung (VLXKN) mặc dù được xem là vật liệu xanh, thân thiên môi trường và được khuyến khích sử dụng.Tuy nhiên, các DN sản xuất loại vật liệu này đang rất khó khăn trong việc tìm chỗ đứng trên thị trường.


Vật liệu xây không nung: Hành lang pháp lý thiếu đồng bộ
ảnh minh họa

Cho đến thời điểm hiện nay theo nhiều chuyên gia nguyên nhân của sự việc trên là do chúng ta thiếu một cơ chế, chính sách đồng bộ.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội vật liệu xây VN cho thấy, hiện các DN sản xuất VLXKN chỉ sản xuất đạt khoảng 20 - 30% công suất thiết kế. Nhà máy nào hoạt động tốt nhất cũng chỉ phát huy được 50% công suất.
Sức tiêu thụ yếu
Hiện có 7 nhà máy đang tồn tại trong tình trạng sản xuất cầm chừng, 1 nhà máy phải dừng hẳn. Vậy nhưng vẫn có 15 nhà máy đã đầu tư, đang chuẩn bị khánh thành và khoảng gần 20 nhà máy nữa đang trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng.
Phản ánh từ đại diện Cty cổ phần Tân Kỷ Nguyên cho thấy, sau hai năm đầu tư xây dựng và chạy thử, với số vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 160 tỉ đồng, nhà máy có công suất thiết kế khoảng 450.000 mét khối/năm, khoảng 350 triệu viên gạch tiêu chuẩn, Cty này đã cho ra thị trường mẻ gạch đầu tiên vào đầu năm 2011. Tuy nhiên, hiện Cty đang gặp thử thách rất lớn khi sức tiêu thụ của thị trường quá yếu, không như kỳ vọng ban đầu vì hiện nhà máy chỉ hoạt động bằng một phần tư công suất thiết kế.
Chia sẻ từ một đại diện DN sản xuất VLKN có tiếng tại Thanh Hóa cũng cho thấy, trong năm 2011 Cty chỉ bán được khoảng hơn 15.000 khối gạch ra thị trường trong khi đó theo thiết kế công suất hoạt động của Cty là 500.000 mét khối/năm. Như vậy, đây là một con số khá khiêm tốn so với năng lực của nhà máy - lãnh đạo Cty chia sẻ.
Vướng từ cơ chế
Thiếu một nhạc trưởng đứng ở vị trí phù hợp để điều hành có hiệu lực và hiệu quả về phát triển vật liệu xây dựng.

Theo ông Phạm Văn Bắc - Phó vụ trưởng Vụ VLXD, định hướng đến 2020 VLXKN chiếm khoảng 30 - 40% vật liệu xây. Tuy nhiên, chặng đường để đạt được mục tiêu “khiêm tốn” đó cũng không dễ dàng. Ông Bắc cho biết thêm, một khi công suất chưa được phát huy, hành lang pháp lý dẫn đường thiếu đồng bộ, hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật còn đang trong quá trình xây dựng nên các công trình sử dụng vốn nhà nước không dám sử dụng bởi không thể thanh quyết toán…
Phân tích của một số chuyên gia đầu ngành xây dựng cho thấy, nếu chiếu theo Quyết định 567 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ về Quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư thì hiện các văn bản hướng dẫn thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ cho việc đầu tư phát triển và sử dụng VLXKN chậm được ban hành, nên các DN đầu tư sản xuất VLXKN chưa được hưởng các ưu đãi theo quy định.
Đồng thời, những quy định sử dụng VLXKN vào các công trình xây dựng chưa được hướng dẫn cụ thể, chưa đủ mạnh để buộc các chủ đầu tư phải sử dụng VLXKN. Đơn cử, mặc dù nhà nước đã quy định phải sử dụng trên 30% gạch bê tông nhẹ cho các tòa nhà cao tầng, nhưng nhiều chủ đầu tư chưa tuân thủ trong khi các cơ quan quản lý lại thiếu biện pháp chế tài. Nếu các cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu phải dùng loại gạch này mới phê duyệt dự án thì chắc chắn các chủ đầu tư và nhà thầu phải tuân theo - chuyên gia chia sẻ.
Trao đổi cùng DĐDN, Chủ tịch Hiệp hội VLXD, ông Trần Văn Huynh lập luận : “Sản xuất VLXKN là loại hình sản xuất công nghiệp, tổ chức quản lý mang tính chất tập trung, sản lượng lớn. Quan hệ giữa xây dựng và sản xuất loại vật liệu này là quan hệ hợp đồng cung ứng dịch vụ mang tính cạnh tranh, và độc lập trong thực hiện.
Thế nhưng, do tổ chức quản lý đầu tư phát triển VLXKN khép kín theo bộ ngành TƯ và địa phương trong suốt thời gian qua, dẫn đến phân tán trong đầu tư không theo quy hoạch, không theo cơ cấu sản phẩm, biến các cơ sở sản VLXKN phụ thuộc vào sự chỉ đạo của các cấp theo cơ chế chủ quản TƯ và địa phương. Cấp chỉ huy thì nhiều, nhưng lại thiếu một nhạc trưởng đứng ở vị trí phù hợp để điều hành có hiệu lực và hiệu quả về phát triển vật liệu xây dựng nói chung, VLXKN nói riêng”, ông Huynh cho biết.
Vụ trưởng Vụ VLXD, Bộ Xây dựng Lê Văn Tới cũng đồng tình rằng, việc tạo cơ chế đồng bộ cho VLXKN cần phải đẩy nhanh hơn vì những mục tiêu xã hội hết sức tốt đẹp. Thiết nghĩ, hơn lúc nào hết chúng ta cần đồng bộ tháo gỡ và tạo điều kiện về cơ chế và tổ chức quản lý để phù hợp với xu thế phát triển, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ môi trường, làm phong phú sản phẩm vật liệu xây dựng.


Nguồn đọc thêm: http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=381649#ixzz1tfbwQNrS
http://www.xaluan.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét