Mới đây, tỉnh An Giang đã tổ chức hội thảo khoa học giải pháp và triển vọng ứng dụng công nghệ sản xuất gạch không nung tại An Giang. Trên cơ sở đó, xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể và chính sách ưu đãi cho các cơ sở sản xuất tiên phong chuyển đổi ứng dụng công nghệ mới không nung, nhằm giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường.
Thực hiện kế hoạch chuyển đổi các lò nung gạch kiểu mới, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã hỗ trợ 13 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gạch ngói thủ công, chuyển đổi sang công nghệ lò nung hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, với định hướng phát triển bền vững, thì việc mở rộng quy mô sản xuất gạch nung cần được xem xét, đánh giá vì những tác động tiêu cực đến môi trường và tài nguyên của nó. Theo lý giải của Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đinh Thị Việt Huỳnh: Để sản xuất 800 triệu viên gạch đất sét nung (bằng tổng công suất hiện nay của các lò gạch ở An Giang), sẽ tiêu tốn khoảng 1 triệu m3 đất sét, tương đương với 50 héc-ta đất nông nghiệp, với độ sâu khai thác là 2 mét. Đồng thời, sẽ sử dụng khoảng 25.000 tấn trấu, phát thải ra khoảng 0,5 triệu tấn khí CO2, gây hiệu ứng nhà kính và các khí thải độc hại khác gây ô nhiễm môi trường. Trong khi, nếu sử dụng lượng trấu này sẽ phát được hơn 12,5 triệu kwh điện theo công nghệ khí hóa trấu. Và để nung gạch theo những công nghệ lò đã thử nghiệm vẫn tiêu tốn lượng điện khoảng 8 triệu kwh điện/năm, vừa tác động đến nhu cầu điện của xã hội, vừa gián tiếp làm tăng phát thải khí CO2. Hơn nữa, còn phát sinh lượng chất thải rắn sản xuất (tro) gây ô nhiễm nguồn nước mặt. So sánh hiệu quả của công nghệ cho thấy: Nguyên liệu dùng sản xuất gạch sử dụng đất sét dẻo gây mất đất canh tác, nhiên liệu tốn nhiều than và trấu, sản phẩm chất lượng thấp hơn, kích thước nhỏ hơn, năng suất lao động thấp (8-14 người/triệu viên/năm), suất đầu tư cao, ô nhiễm môi trường trầm trọng. Trong khi công nghệ không nung nguyên liệu tận dụng các phế thải công nghiệp tro, xỉ nhiệt điện, đá mạt, xỉ lò gạch…; không dùng than; sản phẩm đa dạng, chất lượng cao, cách âm cách nhiệt tốt, chống thấm, cường độ chịu lực cao; kích thước lớn gấp 5-11 lần gạch nung; chỉ cần 2-4 người/triệu viên/năm; suất đầu tư thấp và môi trường tốt hơn.
Công ty Cổ phần Địa ốc An Giang- đơn vị duy nhất của tỉnh tiên phong sản xuất gạch không nung
Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, việc ứng dụng các lò nung gạch mới tuy có giảm tiêu thụ trấu, đạt thông số môi trường nhưng với định hướng phát triển bền vững thì việc sản xuất gạch nung dù với bất cứ công nghệ tối ưu nào hiện nay cũng phải sử dụng điện và phát thải khí nhà kính. Do đó, cần thiết đổi mới, ứng dụng công nghệ sản xuất gạch không nung, kiên quyết xóa bỏ các lò gạch thủ công ô nhiễm môi trường. Sở Xây dựng An Giang phân tích: Nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ, từng bước thay thế dần gạch đất sét nung bằng vật liệu xây không nung, tỉnh khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung. Định hướng thay thế, chuyển đổi gạch không nung cho các loại gạch nung cũ đến năm 2020, tỉnh An Giang chọn loại gạch xi măng- cát là chủ đạo trong vật liệu xây dựng không nung và gạch khác làm từ phế thải xây dựng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Anh Kiệt đề nghị, để thực hiện thành công Quyết định 567 và Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020, trước mắt các sở, ngành, địa phương trong tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, nhất là đối với các cơ sở sản xuất gạch nhận thức rõ về ưu điểm và lợi thế trong việc ứng dụng công nghệ sản xuất gạch không nung; giới thiệu những mô hình công nghệ phù hợp với điều kiện nguồn nguyên vật liệu sẵn có để tiết kiệm chi phí chuyển đổi đầu tư sản xuất. Đồng thời cần xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể và chính sách ưu đãi cho các cơ sở sản xuất tiên phong chuyển đổi ứng dụng công nghệ mới không nung nhằm giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường. Song song đó, tăng cường kiểm tra, giám sát và khen thưởng các cơ sở đầu tư công nghệ mới, cũng như xử lý các cơ sở sản xuất theo lối truyền thống, gây ô nhiễm môi trường...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét