Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

Hướng đi mới cho vật liệu không nung

(QNg)- Có mặt trên thị trường suốt một thời gian dài, có nhiều ưu thế về chất lượng và môi trường, thế nhưng vật liệu không nung (VLKN) vẫn chưa được người tiêu dùng đón nhận. Chính vì thế, Thông tư 09/2012/TT-BXD về việc sử dụng VLKN thay thế cho vật liệu truyền thống, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2013) là tín hiệu vui, mở đường cho sự phát triển của loại vật liệu tiên tiến này.

Vật liệu xây dựng không nung xuất hiện từ khá lâu trên thị trường với nhiều ưu điểm vượt trội như không cần đất sét như vật liệu truyền thống nên không "đụng" đến quỹ đất nông nghiệp, không dùng than, củi… để đốt gây ô nhiễm môi trường.

Nhiều ưu thế

Anh Bùi Anh Dưỡng (phường Nghĩa Lộ, TP.Quảng Ngãi), thợ xây dựng với hơn 20 tuổi nghề chia sẻ "Vật liệu không nung có ưu thế hơn rất nhiều so với vật liệu nung. Vật liệu xây dựng không nung có tính chịu lực cao, cách âm, cách nhiệt tốt. Hơn nữa, xây bằng gạch không nung sẽ tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều".
Vật liệu không nung sẽ dần thay thế vật liệu truyền thống gây ô nhiễm môi trường.                                                       Ảnh: X.Hiếu
Vật liệu không nung sẽ dần thay thế vật liệu truyền thống gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: X.Hiếu

Có những lợi thế về mặt bảo vệ diện tích đất nông nghiệp và môi trường. Thế nhưng thực tế trên địa bàn tỉnh ta, vật liệu không nung vẫn chưa được chủ đầu tư và người tiêu dùng ưa chuộng. Theo khảo sát của phóng viên, hầu hết các cửa hàng vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh đều chưa mấy mặn mà với loại vật liệu này.

Theo anh Võ Thành Tấn - Giám đốc Công ty TNHH MTV Võ Thành (nằm trên đường Lê Lợi, TP.Quảng Ngãi) thì "Nhiều năm nay, Công ty chúng tôi chủ yếu bán vật liệu nung, chứ không lấy hàng VLXD không nung. Bởi lấy về cũng chẳng ai mua vì phần đông chủ đầu tư và người tiêu dùng vẫn chuộng loại vật liệu truyền thống". Anh Tấn chia sẻ thêm rằng, nếu thay đổi được thói quen của người tiêu dùng, thì VLXD không nung là sự lựa chọn thông minh, bởi đây là loại hình sản phẩm có nhiều kích thước và mẫu mã nên dễ dàng thích ứng với tính đa dạng trong xây dựng.

Mở hướng đi mới

Nhằm khuyến khích sử dụng loại vật liệu thân thiện với môi trường, Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư 09/2012/TT-BXD hướng dẫn quy định sử dụng VLXDKN trong các công trình xây dựng, sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15/1/2013. Theo đó, các công trình được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước theo quy định hiện hành bắt buộc phải sử dụng VLXDKN theo lộ trình. Cụ thể, tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% VLXDKN. Tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% VLXDKN kể từ ngày Thông tư có hiệu lực đến hết năm 2015, sau năm 2015 phải sử dụng 100%.

Bên cạnh đó, các công trình xây dựng 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, từ nay đến năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% VLXDKN loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây (tính theo thể tích khối xây).

Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc tuân thủ các quy định về sử dụng VLXDKN trong các công trình xây dựng trên phạm vi toàn quốc. UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc tuân thủ các quy định về việc sử dụng VLXDKN trong các công trình xây dựng trên địa bàn. Những tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định, tùy theo mức độ và hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành.

Đây là một tín hiệu vui, mở ra hướng đi mới cho VLXD không nung. Trong thời gian tới, nhờ những chủ trương, chính sách của Nhà nước, VLXD thân thiện với môi trường này, sẽ có được chỗ đứng trên thị trường tỉnh ta.

Vật liệu xây dựng không nung bao gồm: Gạch xi măng - cốt liệu; Vật liệu nhẹ (gạch từ bê tông khí chưng áp, gạch từ bê tông khí không chưng áp, gạch từ bê tông bọt, tấm Panel từ bê tông khí chưng áp); Tấm tường thạch cao, tấm 3D; Gạch khác (đá chẻ, gạch đá ong, vật liệu xây không nung từ đất đồi và phế thải xây dựng, phế thải công nghiệp, gạch silicát...).

Cần thiết ứng dụng công nghệ sản xuất gạch không nung tại An Giang

Ô nhiễm môi trường do sản xuất gạch đang là vấn đề nổi cộm ở nhiều địa phương, nguyên nhân chủ yếu do sử dụng lò thủ công để nung gạch. Chính phủ đã có định hướng phát triển ngành vật liệu xây dựng không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung.
Mới đây, tỉnh An Giang đã tổ chức hội thảo khoa học giải pháp và triển vọng ứng dụng công nghệ sản xuất gạch không nung tại An Giang. Trên cơ sở đó, xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể và chính sách ưu đãi cho các cơ sở sản xuất tiên phong chuyển đổi ứng dụng công nghệ mới không nung, nhằm giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường.

Thực hiện kế hoạch chuyển đổi các lò nung gạch kiểu mới, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã hỗ trợ 13 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gạch ngói thủ công, chuyển đổi sang công nghệ lò nung hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, với định hướng phát triển bền vững, thì việc mở rộng quy mô sản xuất gạch nung cần được xem xét, đánh giá vì những tác động tiêu cực đến môi trường và tài nguyên của nó. Theo lý giải của Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đinh Thị Việt Huỳnh: Để sản xuất 800 triệu viên gạch đất sét nung (bằng tổng công suất hiện nay của các lò gạch ở An Giang), sẽ tiêu tốn khoảng 1 triệu m3 đất sét, tương đương với 50 héc-ta đất nông nghiệp, với độ sâu khai thác là 2 mét. Đồng thời, sẽ sử dụng khoảng 25.000 tấn trấu, phát thải ra khoảng 0,5 triệu tấn khí CO2, gây hiệu ứng nhà kính và các khí thải độc hại khác gây ô nhiễm môi trường. Trong khi, nếu sử dụng lượng trấu này sẽ phát được hơn 12,5 triệu kwh điện theo công nghệ khí hóa trấu. Và để nung gạch theo những công nghệ lò đã thử nghiệm vẫn tiêu tốn lượng điện khoảng 8 triệu kwh điện/năm, vừa tác động đến nhu cầu điện của xã hội, vừa gián tiếp làm tăng phát thải khí CO2. Hơn nữa, còn phát sinh lượng chất thải rắn sản xuất (tro) gây ô nhiễm nguồn nước mặt. So sánh hiệu quả của công nghệ cho thấy: Nguyên liệu dùng sản xuất gạch sử dụng đất sét dẻo gây mất đất canh tác, nhiên liệu tốn nhiều than và trấu, sản phẩm chất lượng thấp hơn, kích thước nhỏ hơn, năng suất lao động thấp (8-14 người/triệu viên/năm), suất đầu tư cao, ô nhiễm môi trường trầm trọng. Trong khi công nghệ không nung nguyên liệu tận dụng các phế thải công nghiệp tro, xỉ nhiệt điện, đá mạt, xỉ lò gạch…; không dùng than; sản phẩm đa dạng, chất lượng cao, cách âm cách nhiệt tốt, chống thấm, cường độ chịu lực cao; kích thước lớn gấp 5-11 lần gạch nung; chỉ cần 2-4 người/triệu viên/năm; suất đầu tư thấp và môi trường tốt hơn.


Công ty Cổ phần Địa ốc An Giang- đơn vị duy nhất của tỉnh tiên phong sản xuất gạch không nung

Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, việc ứng dụng các lò nung gạch mới tuy có giảm tiêu thụ trấu, đạt thông số môi trường nhưng với định hướng phát triển bền vững thì việc sản xuất gạch nung dù với bất cứ công nghệ tối ưu nào hiện nay cũng phải sử dụng điện và phát thải khí nhà kính. Do đó, cần thiết đổi mới, ứng dụng công nghệ sản xuất gạch không nung, kiên quyết xóa bỏ các lò gạch thủ công ô nhiễm môi trường. Sở Xây dựng An Giang phân tích: Nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ, từng bước thay thế dần gạch đất sét nung bằng vật liệu xây không nung, tỉnh khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung. Định hướng thay thế, chuyển đổi gạch không nung cho các loại gạch nung cũ đến năm 2020, tỉnh An Giang chọn loại gạch xi măng- cát là chủ đạo trong vật liệu xây dựng không nung và gạch khác làm từ phế thải xây dựng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Anh Kiệt đề nghị, để thực hiện thành công Quyết định 567 và Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020, trước mắt các sở, ngành, địa phương trong tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, nhất là đối với các cơ sở sản xuất gạch nhận thức rõ về ưu điểm và lợi thế trong việc ứng dụng công nghệ sản xuất gạch không nung; giới thiệu những mô hình công nghệ phù hợp với điều kiện nguồn nguyên vật liệu sẵn có để tiết kiệm chi phí chuyển đổi đầu tư sản xuất. Đồng thời cần xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể và chính sách ưu đãi cho các cơ sở sản xuất tiên phong chuyển đổi ứng dụng công nghệ mới không nung nhằm giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường. Song song đó, tăng cường kiểm tra, giám sát và khen thưởng các cơ sở đầu tư công nghệ mới, cũng như xử lý các cơ sở sản xuất theo lối truyền thống, gây ô nhiễm môi trường...

TPHCM bắt buộc sử dụng vật liệu xây không nung

(TBKTSG Online) – Các công trình xây dựng tại TPHCM được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước phải sử dụng 100% vật liệu không nung. Đây là một trong các nội dung tại Chỉ thị 04/2013/CT-UBND ngày 28-1 về tăng cường vật liệu xây không nung trên địa bàn TPHCM.
Theo chỉ thị của UBND thành phố, các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên, không phân biệt nguồn vốn, từ nay đến năm 2015 cũng phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung loại nhẹ (khối lượng thể tích không lớn hơn 1.000 kg/m3) trong tổng số vật liệu xây.
>> Các nhà máy vật liệu không nung bớt lo thất nghiệp
Trước đó, vào tháng 11-2012 thì Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 09/2012/TT-BXD quy định việc sử dụng vật liệu không nung trong các công trình xây dựng. Theo đó, các công trình vốn nhà nước tại các đô thị loại 3 trở lên bắt buộc phải sử dụng 100% vật liệu không nung từ ngày 15-1-2013, các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu không nung, và sau năm 2015 tất cả phải sử dụng 100% vật liệu không nung.
Để triển khai quy định này tại TPHCM được khả thi, UBND thành phố cũng giao Sở Xây dựng thành phố xây dựng quy định về quản lý và đầu tư phát triển vật liệu xây dựng, trong đó gồm vật liệu xây không nung để trình UBND thành phố ban hành thời gian tới.
Sử dụng vật liệu xây không nung là xu hướng tất yếu do hạn chế được việc khai thác đất sét từ đất nông nghiệp làm giảm diện tích cây lương thực, có thể tận dung phế thải công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu nung, bảo vệ môi trường, tiết kiệm thời gian thi công …
Tuy nhiên, theo UBND thành phố, hiện nay vật liệu xây không nung vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi do giá thành còn cao so với gạch đất sét nung, người dân chưa quen, thiếu công nhân sản xuất vật liệu không nung còn các chủ đầu tư thì chưa quan tâm đến việc sử dụng vật liệu mới trong công trình xây dựng, kể cả công trình vốn nhà nước.