(BG)-Để hạn chế tác hại của lò gạch thủ công đối
với môi trường, thời gian qua, một số đơn vị đã thử nghiệm áp dụng hai công nghệ
xử lý khói lò gạch trên địa bàn tỉnh. Nhiều người dân hy vọng công nghệ mới này
sẽ được cơ quan chức năng cho phép nhân rộng, tạo điều kiện cho bà con được tiếp
tục sản xuất gạch sau khi lò thủ công bị xoá bỏ.
|
Công nghệ xử lý khí thải bằng phương pháp hấp phụ do Trung tâm
Khoa học Công nghệ và Luyện kim (Hà Nội) chuyển giao tại huyện Hiệp Hoà, Yên
Dũng, Lục Nam trên tổng số 13 lò. Đặc điểm của lò là thiết kế mái che kín và xây
ống khói kín, có quạt hút khói thải để dẫn qua bể dung dịch chứa sữa vôi, than
hoạt tính và một số phụ gia khác. Toàn bộ khí thải độc hại như: SO2, NO2, CO,
H2S, NH3… được dẫn qua bể gây phản ứng hoá học, xử lý thành khói sạch thải ra
ngoài. Anh Nguyễn Văn Uyên, thôn Hồng Phúc, xã Đồng Phúc, một trong những hộ
tham gia thử nghiệm cho biết: "Tuy áp dụng sản xuất lò theo công nghệ mới bằng
phương pháp hấp phụ có đòi hỏi kỹ thuật khắt khe hơn nhưng bù lại tỷ lệ gạch đẹp
đạt 80%, tăng 10% so với đốt bằng phương pháp thủ công và không ảnh hưởng đến
lúa, hoa màu của bà con trong vùng". Bên cạnh đó, công nghệ xử lý khí ngưng tụ
và khuếch tán tuần hoàn do Công ty cổ phần kỹ thuật Thiết bị và Môi trường (Hà
Nội) chuyển giao cũng được thử nghiệm tại một số xã của huyện Việt Yên, Yên
Dũng. Kết quả đánh giá của Hội đồng Khoa học và Công nghệ do UBND tỉnh tổ chức
vừa qua kết luận, cả hai công nghệ trên đều đạt yêu cầu song cần tiếp tục xem
xét, cải tiến.
Tìm hiểu được biết, hiện nay, hai công nghệ gạch nung tiên
tiến, hiện đại là lò liên hoàn và tuynel. Loại lò này có công suất lớn, cần
nguồn đất cũng như vốn đầu tư lớn, mặt bằng rộng nên rất ít chủ lò gạch thủ công
có đủ điều kiện để chuyển đổi. Trong khi đó, vốn đầu tư của hai loại lò áp dụng
công nghệ xử lý khí thải ở mức 600-800 triệu đồng/lò, phù hợp với quy mô hộ gia
đình. Tuy nhiên, đi cùng với những ưu điểm, việc áp dụng hai công nghệ thí điểm
cũng phát sinh hàng loạt vấn đề cần quan tâm. Trên thực tế, nếu vận hành theo
đúng quy trình mà đơn vị chuyển giao công nghệ yêu cầu thì những lò gạch được xử
lý khí thải giảm thiểu ô nhiễm môi trường song lại tốn thêm một khoản chi phí
cho điện hoặc dầu, nguyên liệu khác. Bởi vậy rất dễ xảy ra tình trạng chủ lò
không tự giác vận hành thiết bị liên tục mà sử dụng chỉ có tính chất đối phó,
lúc có, lúc không dẫn tới môi trường vẫn bị ô nhiễm. Ông Nguyễn Văn Chính, Phó
Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hoà cho biết: "Trong quá trình nung đốt, nếu không có
sự giám sát thì các chủ lò có thể không cho vận hành hệ thống xử lý khí thải mà
gạch vẫn chín bình thường. Hoặc khi mất điện thì việc sử dụng máy phát điện phục
vụ chạy thiết bị cũng không khả quan bởi hệ thống này dùng nguồn điện 3 pha". Để
khắc phục hạn chế này, một số ý kiến cho rằng nếu cho phép nhân rộng công nghệ
xử lý khí thải lò gạch, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm giám sát.
Trước khi đun đốt các chủ lò phải cam kết thực hiện đúng quy trình, ký quỹ môi
trường ở mức cao. Trong trường hợp bị cơ quan chuyên môn phát hiện vận hành
thiết bị không liên tục gây ô nhiễm môi trường sẽ không được tiếp tục đốt lò, bị
xử phạt ở mức cao. Khi có chế tài xử lý kiên quyết, các chủ lò sẽ tuân thủ đúng
quy trình công nghệ và ràng buộc được trách nhiệm của họ.
Nếu được cơ quan chức năng cho phép áp dụng, hai công nghệ xử
lý khí thải lò gạch sẽ tạo thuận lợi cho một số hộ khai thác, tận dụng quỹ đất
xấu ven sông, ngòi để sản xuất gạch mà không gây ra những hệ quả đối với môi
trường. Ông Nguyễn Văn Khiển, Chủ tịch UBND xã Đồng Phúc (Yên Dũng) cho biết:
"Trước đây, xã có gần 100 lò sản xuất gạch ngói thủ công, thu hút khoảng một
nghìn lao động. Nhiều năm nay, dải đất ven sông không thể canh tác lúa, hoa màu
mà chỉ có thể làm gạch. Hơn nữa nguồn ngân sách xã chủ yếu thu từ hoạt động này.
Vì vậy, xã đề nghị tỉnh cho áp dụng mô hình công nghệ xử lý khói lò gạch đã được
thử nghiệm đạt kết quả tốt tại xã". Không chỉ có Đồng Phúc tại một số xã Minh
Đức (Việt Yên), Xuân Hương (Lạng Giang), Đồng Việt (Yên Dũng)… có nguồn đất ven
sông, ngòi chỉ thích hợp cho hoạt động sản xuất gạch, đồng thời góp phần tạo
việc làm cho hàng nghìn lao động. Vì vậy việc chuyển đổi công nghệ sản xuất gạch
ngói đáp ứng nhu cầu xây dựng cũng như khai thác tiềm năng nguồn đất tại một số
nơi là cần thiết.
Theo tổng hợp của Sở Xây dựng, năm 2010, nhu cầu về gạch xây
dựng là hơn 360 triệu viên, dự kiến năm 2015 là 620 triệu viên, năm 2020 là 910
triệu viên. Trong đó chủ yếu là gạch nung và vẫn chiếm vị trí quan trọng đối với
ngành vật liệu xây dựng của tỉnh. Người dân đang mong đợi các cơ quan chức năng,
các nhà khoa học sớm đưa ra kết luận chính thức về mô hình thử nghiệm xử lý khí
thải lò gạch.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét