Chủ Nhật, 18 tháng 3, 2012

Dẹp bỏ lò gạch thủ công

Bài học đắt giá cho gần 200 chủ lò gạch
Thứ Hai, 19.3.2012 | 08:32 (GMT + 7)
Từ năm 2010, gần 200 chủ lò gạch tại các huyện Phú Giáo, Bến Cát, Dầu Tiếng, Tân Uyên đã tự ý chuyển đổi lò gạch thủ công sang lò gạch hoffman với trên 300 lò để tiếp tục sản xuất, kinh doanh.
Hậu quả là đến tháng 2.2012, UBND tỉnh Bình Dương đã ra công văn yêu cầu chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công, lò gạch hoffman xây dựng không phép trước ngày 30.6.2012. Lúc này, gần 200 doanh nghiệp sản xuất gạch hoffman mới tá hỏa trước viễn cảnh sắp xảy ra: Trên 300 lò gạch hoffman sẽ bị tháo dỡ, hàng ngàn tỉ đồng vốn đầu tư bị mất trắng.

Các chủ lò gạch bị ngộ nhận

Bà Bùi Thị Ngọc Ảnh – chủ lò gạch Thành Chung (huyện Phú Giáo) - cho biết, cuối năm 2010, theo chủ trương xóa bỏ các lò gạch thủ công của UBND tỉnh, bà đã tự đập bỏ các lò gạch thủ công của mình và vay vốn ngân hàng để đầu tư xây dựng lò nung theo công nghệ hoffman do vốn đầu tư sản xuất tương đối thấp, trung bình chỉ khoảng từ 5 – 7 tỉ đồng/1 lò hoffman.
Hàng ngàn lao động sẽ mất việc làm sau khi các lò gạch hoffman đóng cửa.
Hàng ngàn lao động sẽ mất việc làm sau khi các lò gạch hoffman đóng cửa.
Trong khi để đầu tư 1 lò tuynel vào khoảng 20 tỉ đồng/1 lò, doanh nghiệp không đủ khả năng thực hiện. Tính đến nay, chưa đầy 2 năm hoạt động, bà cùng nhiều chủ lò gạch khác bị buộc phải đóng cửa trong khi chưa thu hồi vốn, toàn bộ tài sản sẽ mất trắng và bà cũng không có khả năng trả nợ ngân hàng.

Bà Ảnh và nhiều chủ lò gạch thừa nhận rằng, bản thân các chủ lò gạch đã có sự ngộ nhận dẫn tới “nhầm lẫn” tự ý chuyển đổi công nghệ khi tỉnh chưa có chủ trương. Bà Ảnh cho biết, theo quyết định của Bộ Xây dựng về việc đến năm 2010 phải xóa bỏ hoàn toàn loại hình sản xuất gạch xây thủ công trên toàn quốc, từ cuối năm 2010 các chủ lò gạch tỉnh Bình Dương đã tiến hành chuyển đổi công nghệ.

Năm 2008, tỉnh đã thí điểm cho xây lò gạch tuynel đứng nhưng không thành công. Năm 2009, lại tiếp tục áp dụng thí điểm lò gạch hoffman tại cơ sở Việt Linh (huyện Phú Giáo). Sau này, cơ sở Việt Linh tiếp tục hoạt động và “ăn nên làm ra”, bởi vậy các doanh nghiệp mới ngộ nhận lò gạch hoffman được phép xây dựng nên tới học hỏi kinh nghiệm và làm theo.

Đồng thời, theo văn bản số 25/BXD-VL-XD mà Bộ Xây dựng gửi Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương về việc đầu tư xây dựng lò nằm hoffman thay thế lò đứng thủ công nung gạch ngói có định hướng: Lò nằm hoffman được đầu tư ở khu vực có thị trường tiêu thụ thấp, năng lực nhà đầu tư hạn chế và đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường, an toàn cho người lao động. Thêm nữa, một số địa phương như Tây Ninh, Bình Thuận, Đồng Nai được triển khai xây lò hoffman nên nhiều chủ lò gạch “tưởng lầm” thêm một lần nữa và một số cơ sở nhỏ đã tự ý chuyển đổi công nghệ - ông Bùi Trí Dũng – chủ lò gạch tại huyện Tân Uyên - cho biết.

Xin gia hạn để thu hồi vốn

Nhiều chủ lò gạch tỏ ra bức xúc khi thiếu sự hướng dẫn từ chính quyền địa phương trong việc chuyển đổi, dẫn tới ngộ nhận. Bà Ảnh cho biết, cuối năm 2010 phải xóa bỏ các lò gạch thủ công và chuyển đổi công nghệ. Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Dương cũng không hề có văn bản hướng dẫn nào để định hướng cho các doanh nghiệp sản xuất gạch ngói tại Bình Dương. Bởi vậy, các cơ sở phải tự tìm tòi chuyển đổi công nghệ nên mới xảy ra tình trạng hoang mang, lo sợ như hiện nay khi UBND tỉnh yêu cầu chấm dứt sản xuất.

Theo công văn số 328/UBND-KTN của UBND tỉnh Bình Dương, đến thời điểm trước ngày 30.6.2012, các lò gạch thủ công, lò gạch

hoffman mà chưa chấm dứt thì sẽ tiến hành cưỡng chế, niêm phong để chấm dứt đồng loạt theo quy định. Trước tình thế sắp đứng trước bờ vực phá sản, các chủ doanh nghiệp đã gửi đơn cầu cứu lên UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị cho phép các lò gạch hoffman tiếp tục được hoạt động trong một thời gian nhất định đủ để có thời gian thu hồi vốn nhưng vẫn chưa được trả lời. Cái hạn chấm dứt hoạt động các lò gạch thủ công, lò gạch hoffman xây dựng không chủ trương đã cận kề. Không chỉ các chủ lò gạch hoang mang, lo lắng mà khoảng 10.000 lao động chính và lao động thời vụ làm việc trong các lò gạch này cũng đang đứng trước nguy cơ mất việc làm.
Theo tiến sĩ Lê Văn Lữ - khoa Công nghệ vật liệu, Đại học Bách khoa TPHCM – công nghệ hoffman và tuynel đều là công nghệ sản xuất gạch nung và về cơ bản chỉ khác ở nguyên liệu đốt và quy trình nung: Hoffman dùng phế phẩm, rác thải công nghiệp, còn tuynel dùng than đá.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét